Xu hướng tiêu dùng an toàn của nhiều người tiêu dùng đã giúp nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh tay đầu tư sản xuất.
Bánh mứt, kẹo nội có thương hiệu đang đứng trước một mùa tết bội thu khi đơn đặt hàng tăng mạnh so với năm ngoái.
Sự chuyển biến trong nhận thức tiêu dùng ưu ái đối với hàng nội cũng thể hiện rõ trong mùa tết năm nay.
Tăng sản lượng
Xưởng mứt của Công ty Trí Đức (Củ Chi, TP.HCM) đang khẩn trương để cho ra những mẻ mứt thơm ngọt. Đơn đặt hàng từ các siêu thị tăng so với năm ngoái buộc bà chủ xưởng phải tăng hết công suất. Bà Hoàng Thị Tâm Ái, giám đốc Công ty sản xuất mứt Trí Đức, cho biết công ty dự kiến tung ra thị trường khoảng 100 tấn mứt tết các loại (tương đương 300.000 hộp), tăng 20% so với Tết 2010.
Giá các loại mứt tết năm nay sẽ tăng ít nhất 15-20% so với năm ngoái. Giá gừng nguyên liệu đã lên 30.000 đồng/kg, dừa non 6.000 đồng/trái… nhưng chắc chắn không thiếu hàng. Theo bà Ái, nhà sản xuất làm theo đơn đặt hàng chứ không dám dự trữ, vì vậy việc chủ động đặt hàng của nhà bán lẻ từ sớm sẽ giải quyết được bài toán cung cầu hàng hóa.
Lạc quan với mùa tết năm nay, ông Nguyễn Lâm Viên, giám đốc Công ty Vinamit, quyết định tăng 20% sản lượng so với năm ngoái. Khá bất ngờ khi sản phẩm hộp quà ngũ quả của Vinamit được tiêu thụ mạnh tại các chợ đầu mối, nơi vốn dĩ là “thánh địa” của hàng ngoại, hàng giá rẻ.
Nhận xét về thị trường tết, ông Nguyễn Xuân Luân, phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, cho rằng người tiêu dùng ngày càng ý thức và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm, bánh kẹo hiện nay.
Ưu tiên hàng nội
Sự chuyển biến trong nhận thức từ cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã tác động trực tiếp và rõ nét đến xu hướng, hành vi tiêu dùng của người dân trong việc lựa chọn các thương hiệu tin cậy những ngày tết. Các sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc hay sản phẩm của các cơ sở coi nhẹ chất lượng, sức khỏe người tiêu dùng không còn được lựa chọn.
Bà Cúc, kinh doanh mặt hàng bánh kẹo tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), cho biết năm nay chỉ nhập hàng của các công ty trong nước do giá rẻ hơn, bán chạy hơn. “Gần đây nhà sản xuất cũng có chế độ chăm sóc người bán chu đáo như tăng chiết khấu, giao hàng ngay. Còn nhập hàng ngoại nếu bị hư, lỗi gì người bán phải chịu hết”. Hiện nay giá bánh hộp ngoại nhập tăng 20-25% so với năm ngoái, trong khi các thương hiệu bánh nội tăng khoảng 10-15% nên hàng nội bán rất chạy.
Bà Dương Quỳnh Trang, đại diện siêu thị Big C, cho biết các loại bánh kẹo đóng hộp hàng Việt mà siêu thị chuẩn bị cho dịp tết chiếm 90%, trong đó 130 tấn các loại mứt, kẹo truyền thống. Đây là những nhóm hàng được siêu thị đặt trực tiếp từ những nhà sản xuất có uy tín, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, nhất là các chủng loại hàng hóa thực phẩm như bánh kẹo, sữa…
Bánh kẹo ngoại bán chậm
Thị trường bánh kẹo ngoại năm nay có thêm sự tham gia của các dòng bánh nhập từ Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, dòng bánh hộp thiếc “chủ sòng” vẫn là hàng nhập từ các nước Thái Lan, Malaysia với những thương hiệu Kerr, Danson, Dbent, Hwatai… Ở nhóm hàng cao cấp, hàng ngoại nhập năm nay chủ yếu là những loại đã xuất hiện trong Tết Canh Dần như bánh Ritz, bánh Lu, bánh Oreo và Danisha… Tuy nhiên, theo các đầu mối sỉ ở chợ Bình Tây (Q.6), bán bánh kẹo ngoại cho đa dạng hàng hóa chứ mãi lực không cao.
Đa dạng kênh phân phối
Để tăng tính thuận tiện trong việc lựa chọn hàng hóa, năm nay các nhà sản xuất trong nước đều đẩy mạnh hoạt động trưng bày sản phẩm tại các đại lý, cửa hàng. “Người dân dễ dàng tìm mua, lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh đó các công ty cũng đẩy mạnh phát triển, khai thác kênh phân phối mới cũng như thị trường tại các tỉnh thành, đảm bảo đưa hàng đi khắp cả nước” – ông Nguyễn Xuân Luân cho biết.
Còn theo đại diện Bibica, thông qua hệ thống phân phối với hơn 50.000 điểm bán và 200 siêu thị trên toàn quốc, sản phẩm của Bibica đến với người tiêu dùng từ thành thị tới nông thôn một cách nhanh nhất với giá ổn định.
Mặt khác, những doanh nghiệp có thương hiệu, nguồn lực đều dự báo sớm diễn biến giá cả nên có chính sách giữ giá khá tốt. Trước tình hình giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong các tháng cuối năm, Bibica đã dự trữ một số nguyên vật liệu chính từ quý 3-2010. Trong khi đó, ngay từ tháng 3-2010 Vinamit đã tổ chức mua dự trữ nguyên liệu tết theo mùa vụ trái cây.
Leave a Reply